Những tiêu điểm nổi bật gồm:
#1: Các điểm nổi bật trong Facebook F8 – Refresh 2021
#2: Các điểm nổi bật trong Apple WWDC 2021
#3: Twitter Blue ! Mạng xã hội đầu tiên giới thiệu hình thức thu phí
#4: IG hạn chế người dùng chia sẻ lại các bài đăng từ Feed lên Stories
#1: Các điểm nổi bật trong Facebook F8 - Refresh 2021
Sự kiện hội nghị nhà phát triển F8 của Facebook trong năm nay, chủ yếu mở rộng cơ hội đến các nhà phát triển và doanh nghiệp dựa trên những công nghệ Facebook để cùng nhau xây dựng và phát triển kinh doanh trên những nền tảng này. Gồm 3 điểm nổi bật sau:
1. Mở rộng API Messenger cho Instagram (IG): không chỉ giúp doanh nghiệp tích hợp kênh giao tiếp Messenger và Instagram với nhau thành 2 trong 1, mà còn liên kết cả tin nhắn IG với Chatbot để đạt được chức năng trả lời tự động, giúp việc tương tác với khách hàng, quản lý nội dung trò chuyện ngày càng hiệu quả hơn.
2. Nâng cấp Facebook Business Suite: công cụ này đã được Facebook ra mắt vào năm ngoái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý hoạt động trên Facebook, Instagram, Messenger. Năm nay, Facebook sẽ thêm vào các công cụ của bên thứ ba, với mong muốn khuyến khích nhiều developers cùng nhau xây dựng các ứng dụng phát triển trên Facebook Business Suite, tạo nền móng vững chắc cho sự thành công của doanh nghiệp.
3. Tăng cường trải nghiệm thực tế ảo: Spark AR Studio được Facebook lần đầu giới thiệu tại sự kiện F8 2017, hiện được xem là nền tảng AR di động lớn nhất thế giới. Năm nay, Facebook bổ sung thêm Multipeer API giúp các creators có thể thỏa thích tạo ra các hiệu ứng AR kết hợp giữa nhiều người khi tham gia các cuộc gọi video trên Messenger, Instagram và Portal.
#2: Các điểm nổi bật trong Apple WWDC 2021
Sự kiện WWDC 2021 công bố các tính năng sắp được nâng cấp trên hệ điều hành iOS 15 gồm 4 điểm đáng chú ý sau:
1. FaceTime: tăng cường tính năng chia sẻ và nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh cuộc gọi
- FaceTime Link: người dùng có thể mời bạn bè tham gia, kể cả khi họ không phải là người dùng Apple thì vẫn có thể tham gia cuộc gọi video thông qua đường link chia sẻ; các cuộc gọi video đã lên lịch cũng sẽ được tự động thêm vào lịch trình của người dùng.
- SharePlay: cho phép người dùng và các thành viên đang tham gia FaceTime có thể cùng nhau xem phim, nghe nhạc
- Portrait Mode (chế độ chân dung): làm mờ background để nổi bật chân dung người trò chuyện
- Spatial Audio (âm thanh không gian): giúp người dùng có được trải nghiệm âm thanh chân thực hơn trong những cuộc trò chuyện.
- Voice Isolation (giảm tiếng ồn, tạp âm ở xung quanh): được tích hợp công nghệ Machine Learning, giúp làm giảm tiếng ồn xung quanh và tăng cường giọng nói của người dùng khi thực hiện cuộc gọi.
2. Live Text: người dùng chỉ cần hướng camera vào văn bản trên bảng trắng hoặc sách, Live Text có thể tự động nhận diện văn bản đó. Ngay cả khi văn bản có nội dung viết tay thì cũng có thể chuyển thành văn bản thuần túy, được sao chép sử dụng. Ngoài ra, tính năng này còn đề xuất thêm một vài thao tác khác như quét số điện thoại để gọi, quét mật khẩu tài khoản wifi để kết nối…
3. Apple Maps 3D: bổ sung các mô phỏng ảnh 3D như vỉa hè, cây cầu, và các tòa nhà nhằm giúp người dùng nắm rõ tình trạng đường đi, phán đoán đúng hướng đi. Bên cạnh đó, tính năng điều hướng AR sẽ được tích hợp vào chế độ đi bộ, người dùng chỉ cần hướng camera vào các con đường, điểm mốc… hệ thống sẽ tự động đánh dấu bước đi tiếp theo.
4. Tính năng bảo mật
- iOS 15 sẽ cho phép người dùng ẩn địa chỉ IP và thông qua “App Privacy Report” có thể biết được các ứng dụng đã truy cập dữ liệu nào của họ.
- iCloud+ cũng được công bố trong WWDC lần này với 2 tính năng đáng chú ý sau:
- Private Relay (chuyển tiếp riêng tư): khi người dùng sử dụng Safari thì tất cả dữ liệu truy cập trên trình duyệt này đều được mã hóa, ngay cả Apple cũng không thể lấy được dữ liệu này.
- Hide My Email (ẩn địa chỉ mail): tính năng này được tích hợp trong Apple Mail, Safari và iCloud, cho phép người dùng có thể chọn các địa chỉ mail được tạo ra một cách ngẫu nhiên khi gửi mail đi, và được sử dụng để chuyển tiếp mail đến tài khoản thực của người dùng. Điều này khiến doanh nghiệp hạn chế khả năng thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng, nhưng lại giúp người dùng giảm lượng thư rác trong hộp mail của họ.
#3: Twitter Blue ! Mạng xã hội đầu tiên giới thiệu hình thức thu phí
Twitter chính thức ra mắt dịch vụ trả phí Twitter Blue tại Canada và Úc, với mức giá tầm 3 USD mỗi tháng. Người dùng Twitter Blue sẽ sở hữu các tính năng nổi bật sau:
1. Bookmark Folders (thư mục dấu trang): cho phép người dùng lưu trữ, phân loại bài tweet theo các chủ đề khác nhau (chức năng tương tự đã có trên Facebook và Instagram).
2. Undo Tweet (hoàn tác tweet): người dùng có thể xem trước tweet và đặt thời gian kéo dài tối đa là 30 giây, để người dùng có thêm cơ hội chỉnh sửa, suy nghĩ kĩ nội dung trước khi đăng.
3. Reader Mode (chế độ đọc): chuyển đổi các tweet có nội dung dài sang dạng văn bản, giúp người dùng nâng cao trải nghiệm khi xem nội dung.
Bên cạnh đó, có một điểm đáng chú ý là người dùng có thể thay đổi ứng dụng icon hiển thị trên điện thoại, và chọn chủ đề nền ảnh trên giao diện của ứng dụng Twitter.
#4: IG hạn chế người dùng chia sẻ lại các bài đăng từ Feed lên Stories
Vào đầu tháng 5 vừa qua, Instagram (IG) đã chính thức xác nhận rằng họ đã thay đổi thuật toán nhằm hạn chế chia sẻ bài đăng của người khác hoặc của chính họ lên Stories. Quyết định của IG được đưa ra dựa vào 3 lý do chính:
- Qua cuộc khảo sát IG phát hiện người dùng thích xem các video/hình ảnh gốc trên Stories.
- Ngăn chặn sự xuất hiện lặp lại của các nội dung
- Giúp IG quan sát chi tiết hơn cảm nhận của người dùng trên Stories, từ đó có thể chính xác cải thiện trải nghiệm của người dùng trên Stories.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi, đặc biệt là trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Người dùng cảm thấy bất mãn khi những bài chia sẻ của họ không thấy xuất hiện trên ứng dụng, thậm chí còn cáo buộc IG kiểm duyệt và đàn áp các bài phát biểu ủng hộ người Palestine. IG đã hoàn toàn phủ nhận điều đó, nhưng cũng thừa nhận rằng thuật toán hiện tại sẽ làm hạn chế khả năng xuất hiện trùng lặp của những sự kiện/vấn đề quan trọng, và tuyên bố sẽ sửa đổi thuật toán để loại bỏ hạn chế này.
Thách thức của IG hiện nay là tiếp tục tìm ra những phương pháp khác giúp những nội dung gốc trên Stories xuất hiện một cách linh hoạt, và hạn chế các bài đăng có nội dung tương tự được chia sẻ nhiều lần nhưng vẫn đảm bảo được tiếng nói của người dùng.