Doanh thu phòng vé lần đầu tiên trong lịch sử bị đánh bại bởi dịch vụ streaming; IG & YouTube chớp lấy cơ hội giành miếng bánh thị phần quay clip ngắn; EU liệt các gã công nghệ khổng lồ của Mỹ vào danh sách đen; Apple gây khó dễ với các quảng cáo in-app là các tiêu điểm mà bạn không thể bỏ qua.
#1: Dịch vụ streaming lần đầu vượt mặt doanh thu phòng vé
Theo báo cáo của PricewaterhouseCoopers, hay còn gọi là PwC (một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu lớn nhất thế giới) đã chỉ ra rằng, trong năm 2020 doanh thu từ các nền tảng streaming hàng đầu trên thế giới sẽ lần đầu tiên vượt qua doanh thu phòng vé với con số xấp xỉ $50 tỷ USD.
Sự thay đổi ngoạn mục này chủ yếu xuất phát từ các chính sách phòng ngừa Covid-19, khiến nhiều rạp phim đã phải ngừng hoạt động, doanh thu từ các phòng vé trên thế giới chỉ đạt $15 tỷ USD, giảm 65% so với năm 2019. Điều này tạo điều kiện khuyến khích nhiều người xem dần chuyển sang dịch vụ streaming như Disney+, Netflix.
PwC cũng đưa ra một dự đoán rằng trong 3 năm sắp tới thì doanh thu mỗi năm của ngành điện ảnh sẽ tăng gần $30 tỷ USD. Cũng chính vì vậy mà Disney đã lên chiến lược đầu tư, tập trung chủ yếu vào dịch vụ streaming của mình.
#2: Instagram & YouTube chớp thời cơ giành miếng bánh TikTok
eMarketer đã cho ra lò báo cáo cập nhật Social Media trong Q3/2020, và đáng chú ý là sự kiện căng thẳng giữa TikTok và nước Mỹ vẫn đang chưa có hồi kết, không có gì chắc chắn liệu TikTok có thể tiếp tục phát triển ở Mỹ hay không. eMarketer dự đoán TikTok tại Mỹ trong năm 2020 sẽ đạt được 65,9 triệu người dùng hàng tháng, trong đó hơn 60% người dùng nằm trong độ tuổi từ 10~29.
Uy lực của TikTok không thể xem nhẹ khi mà tính đến tháng 4/2020 thì TikTok đã đạt 2 tỷ lượt tải về trên toàn cầu, trở thành ứng dụng hot nhất trong năm. Hơn nữa, MAU (monthly active user) đạt con số 800 triệu người, tương đương cứ mỗi 9 người trên thế giới thì có 1 người sử dụng TikTok.
Khi TikTok liên tiếp vấp phải sự phản đối từ Ấn Độ và Mỹ, thì các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, YouTube đã chớp lấy thời cơ xâm nhập vào thị trường quay clip ngắn. Chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần khi TikTok bị chặn tại Ấn Độ, thì Instagram đã giới thiệu Reels – tính năng quay clip ngắn tối đa 15 giây, dần được triển khai đến 50 quốc gia. YouTube trong tháng 9 năm nay cũng đã ra mắt công cụ quay video ngắn Shorts, đã tiến hành thử nghiệm tại thị trường Ấn Độ.
Có thể thấy được miếng bánh thị phần quay clip ngắn dần đang bị chia nhỏ ra, trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các nền tảng mạng xã hội.
#3: Apple, Google, Facebook bị liệt vào “hit list” của EU
Liên minh Châu Âu (EU) đang tiến hành lập “hit list” gồm tầm 20 công ty công nghệ lớn, nhằm cân bằng sự phát triển, đảm bảo việc cạnh tranh thương mại lành mạnh cho các công ty đối thủ yếu thế hơn. Những công ty nằm trong “hit list” như Google, Facebook, Apple, Amazon, v.v. buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn so với các công ty vừa và nhỏ khác tại khu vực Châu Âu.
Trong đó bao gồm cả việc các công ty công nghệ lớn này phải chia sẻ dữ liệu với đối thủ như số lượng người dùng, thị phần doanh thu, v.v. , cũng như cần công khai hơn nữa thông tin hoạt động, tăng cường tính minh bạch trong việc thu thập dữ liệu người dùng. Động thái lần này của EU nhằm thay đổi các quy định quản lý hiện tại khi bị vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích rằng là kém hiệu quả và không đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường công nghệ.
Đối với EU, các công ty công nghệ khổng lồ đang độc quyền, kiềm hãm sự phát triển lành mạnh của thị trường; nhưng đối với các gã công nghệ khổng lồ thì dịch vụ và công cụ của họ mang lại sự đổi mới và tiện lợi một cách có hiệu quả đến người dùng toàn cầu. Kế hoạch lần này của EU có thể sẽ khiến cho tình hình thương mại giữa EU và Mỹ căng thẳng trở lại.
#4: Apple iOS 14 dựng bức tường làm khó quảng cáo in-app
Quyền riêng tư trên iOS 14 dự tính sẽ được chính thức triển khai vào đầu năm sau, khiến việc theo dõi dữ liệu người dùng qua các app sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Ở phiên bản iOS 14, người dùng cần mở ứng dụng lên và chọn có cho phép ứng dụng đó sử dụng thiết bị nhận dạng nhà quảng cáo của Apple (IDFA) hay không, thiết bị này sẽ cho phép ứng dụng theo dõi vĩnh viễn hồ sơ hoạt động trên nhiều ứng dụng của người dùng. Đồng thời, cửa sổ popup yêu cầu được sự đồng ý từ người dùng, phải tuân thủ nghiêm ngặt sử dụng các từ ngữ được đề xuất bởi Apple. Nếu người dùng không đồng ý thì ứng dụng này sẽ không thể có thêm nhiều dữ liệu khác của người dùng, ảnh hưởng đến độ chính xác khi nhắm quảng cáo.
Quyền riêng tư trên iOS 14 mang ý nghĩa Apple muốn trao lại quyền kiểm soát riêng tư cho người dùng, giúp các kênh thu thập dữ liệu người dùng trở nên minh bạch hơn. Tuy vậy, điều này ảnh hướng không hề nhỏ đến doanh thu của quảng cáo in-app.
Mặc dù nhiều nhà phát triển ứng dụng cảm thấy bi quan về động thái này của Apple, nhưng trên thực tế có một công ty Adikteev – chuyên về cung cấp chiến lược tiếp thị cho các ứng dụng, đã tiến hành thử nghiệm và phát hiện có hơn 70% người chơi game chọn đồng ý với yêu cầu của IDFA khi ứng dụng đưa ra yêu cầu. Từ kết quả cho thấy nỗi lo của những người trong giới có thể đang bị thổi phồng lên.