Những tiêu điểm chính gồm:
(1) ATT chính thức có hiệu lực trên iOS 14.5 !!!
(2) Facebook, Google công bố báo cáo tài chính quý 1/2021
(3) Apple, Spotify đua nhau giới thiệu hình thức kiếm tiền dành cho podcasters
(4) Netflix chính thức ra mắt tính năng Play Something
#1: ATT chính thức có hiệu lực trên iOS 14.5 !!!
Vào ngày 26/4, chính sách về bảo vệ quyền riêng tư ATT cuối cùng đã được triển khai trên iOS 14.5, một số người cho rằng động thái của Apple chỉ là để “vỗ béo” hoạt động kinh doanh quảng cáo cho chính mình. Bởi vì theo khuôn khổ bảo mật ATT, nếu người dùng không đồng ý chia sẻ dữ liệu với nhà quảng cáo ứng dụng, thì nhà quảng cáo chỉ có thể thông qua SKAdNetwork 2.0 của Apple và phải đợi tối đa 3 ngày mới có thể lấy được dữ liệu tổng hợp.
Nhiều bên đưa ra nghi vấn rằng liệu Apple có nhân cơ hội tung ra các sản phẩm quảng cáo để thu hút các advertisers đặt quảng cáo với Apple thông qua cơ sở dữ liệu độc quyền của mình. Apple đã bác bỏ vấn đề này và chỉ tuyên bố rằng việc hạn chế dữ liệu ở các nền tảng của bên thứ ba là điều cần thiết.
#2: Facebook, Google công bố báo cáo tài chính quý 1/2021
Facebook
Doanh thu trong Q1/2021 đạt 26,17 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng đạt 9,497 tỷ USD, tăng 94% so với năm ngoái. Mặc dù đại dịch Covid khiến nền kinh tế chưa thể khôi phục hoàn toàn, nhưng sự phục hồi của thị trường tiêu dùng đã giúp Facebook không chỉ tăng 12% về số lượng quảng cáo, mà giá quảng cáo tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã trở thành nguồn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chính cho Facebook.
Hiện tại, người dùng hoạt động hàng ngày trên toàn cầu (DAU) của Facebook đã đạt 1,88 tỷ; người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu (MAU) đã đạt 2,85 tỷ; tương đương cứ 3 người thì có 1 người sử dụng Facebook mỗi tháng. Hơn nữa, thêm một điều đáng kinh ngạc là tổng lượng MAU trên Instagram, Messenger, và WhatsApp đạt 3,45 tỷ.
Google
Alphabet, công ty mẹ của Google đã công bố doanh thu trong quý đầu tiên của Alphabet là 55,314 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng đạt 17,93 tỷ USD, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái.
YouTube luôn được xem là “con gà vàng” của Google, khi tỷ lệ sử dụng nền tảng này đã tăng từ 73% (năm 2019) lên 81% (tính đến thời điểm Q1/2021), doanh thu đạt 6,01 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức kỳ vọng của thị trường đã dự đoán trước đó.
Dịch vụ Google Cloud, vốn đã thua lỗ trong nhiều năm qua, đã tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 4,05 tỷ USD, nhưng con số này vẫn chưa thể đem lại lợi nhuận cho Google với mức lỗ 947 triệu USD.
Nguồn:
#3: Apple vs Spotify: đua nhau giới thiệu hình thức kiếm tiền dành cho podcasters
Mặc dù Apple được xem là “ông tổ” khai phá mảng thị trường podcast; Spotify dù sinh sau đẻ muộn nhưng vài năm trở lại đây đều có những động thái tích cực tấn công, mở rộng mảng podcast. Apple dĩ nhiên không chịu thua khi giành quyền là người đầu tiên công bố các gói đăng ký dành cho podcaster; Spotify cũng không muốn chậm chân khi ngay một tuần sau đó cũng giới thiệu các gói đăng ký của riêng mình.
Apple’s podcast monetization
- Podcaster (người sáng tạo nội dung qua âm thanh): cần phải trả 19.99 USD mỗi năm để kích hoạt tính năng “đăng ký”. Apple trong năm đầu tiên sẽ thu 30% doanh thu đăng ký, phần trăm này sẽ giảm còn 15% từ năm thứ hai trở đi.
Spotify’s podcast monetization
- Podcaster sẽ tải lên các nội dung podcast của mình thông qua Anchor – nền tảng dành cho người sáng tạo. Điều này cho phép các podcaster sẽ đánh dấu những tập nào dành riêng cho subscribers (người nghe đã đăng ký) và các tập ấy sẽ được đưa lên Spotify và những nền tảng khác. Hiện tại, Spotify đưa ra 3 mức giá hàng tháng cho podcaster để lựa chọn: 2,99 / 4,99 / 7,99 USD.
So với phương án của Apple thì Spotify trong hai năm đầu sẽ không thu phí của podcasters. Tuy nhiên, podcaster sẽ phải trả chi phí giao dịch thông qua Stripe – đối tác thanh toán của Spotify. Vào năm 2023, Spotify mới bắt đầu thu 5% trên tổng doanh thu đăng ký, con số này thấp hơn đáng kể so với mức thu mà Apple đưa ra.
Nguồn:
#4: Netflix chính thức ra mắt tính năng Play Something
Từ ngày 28/4 trở đi, bạn sẽ không phải đau đầu khi không biết sẽ chọn phim gì để xem trên Netflix; tính năng Play Something dựa trên sở thích và hành vi xem của bạn trước đó để phát ngẫu nhiên bộ phim/chương trình. Nếu không thích nội dung đề xuất của Netflix, bạn có thể nhấn nút có biểu tượng shuffle để chọn các nội dung đề xuất khác. “Play Something” trước tiên sẽ được khởi chạy trong phiên bản ứng dụng dành cho TV, sẽ dần sớm xuất hiện trên các thiết bị Android, iOS.
Thực ra vào tháng 8 năm ngoái, Netflix đã tung ra chức năng “Shuffle Play” nhưng ở thời điểm ấy nó chưa được chính thức áp dụng cho người dùng trên toàn cầu. Mục đích của tính năng này là giúp người dùng dễ dàng khám phá và thưởng thức các nội dung được cung cấp trên nền tảng Netflix, từ đó tăng cường mức độ trung thành/yêu thích của người dùng đối với Netflix.